Đấu thầu, dự án
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 896
Những năm, tháng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong kháng chiến chống Mỹ

21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy cam go, quyết liệt và gian khổ, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30.4.1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân dốc sức thi đua sản xuất thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước và chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa sản xuất vừa chiến đấu

Ngay sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, củng cố hậu phương, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nạn đói, ổn định đời sống cho nhân dân. Tháng 2.1956, Hưng Yên thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất. Tháng 7.1956, Hưng Yên được thưởng Cờ tỉnh chống hạn khá nhất miền Bắc của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính Tả ngạn tặng Cờ luân lưu thi đua sản xuất.

Mười năm sau ngày giải phóng (1954 - 1964), bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không ngừng phấn đấu vượt mọi thử thách và khó khăn, gian khổ giành thắng lợi quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ra sức thực hiện, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần I (1961-1965) căn bản hoàn thành cải tạo, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, củng cố hậu phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền Bắc, đánh bại âm mưu chống phá của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Những thành quả ấy là tiền đề để Hưng Yên thực sự vững bước tiến sang giai đoạn cách mạng mới.
Ngày 27.3.1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt. Đây là Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới. Tại Hội nghị, Người kêu gọi nhân dân ta Mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, sẵn sàng chi viện cho cách mạng miền Nam.
Ngày 16.7.1965, trong Hội nghị chuyên đề, Tỉnh ủy ra Nghị quyết Chuyển hướng sản xuất từ thời bình sang thời chiến, đề ra nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất thời chiến và kết hợp sản xuất với chiến đấu, sản xuất với bảo đảm giao thông vận tải.

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết của Tỉnh ủy, vừa chuẩn bị về vật chất để chủ động bước vào thời chiến, Hưng Yên còn mở đợt sinh hoạt chính trị với chủ để Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam, vì Long An ruột thịt. Sắc lệnh động viên thời chiến trở thành nội dung chủ yếu của đợt sinh hoạt chính trị và gắn kết chặt chẽ vào các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” và các cuộc vận động khác của Bạch đầu quân, học sinh, thiếu niên. Khắp nơi dấy lên phong trào “tay cày, tay súng và tay búa, tay súng”, “Toàn dân chi viện chiến trường”, đẩy phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” lên cao hơn, rầm rộ và phong phú hơn.
Toàn tỉnh như một đại công trường, làm việc hăng say, dốc sức thi đua sản xuất theo tinh thần làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Năm 1965, đã cung cấp vượt kế hoạch với trị giá 7.329.000 đồng, so với năm 1961 tăng hơn 43%. Số nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương như: Tơ sợi, than đá, gỗ, tre, nứa… trị giá 5.820.000 đồng. Thương nghiệp đã cố gắng chuyển hướng hoạt động để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tích cực thực hiện tốt việc bồi dưỡng sức lực của nhân dân để sản xuất và chiến đấu lâu dài.
Đối với việc thu mua và phân phối, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo đưa sản xuất phát triển nhanh, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước. Riêng năm 1962, tất cả các loại lương thực, thực phẩm, nông sản đều thu mua vượt kế hoạch, bảo đảm nhanh, gọn, tốt, đã đóng góp một phần đáng kể trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho Nhà nước, phục vụ cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Trong năm 1965, cả hai vụ chiêm – mùa của tỉnh đều thực hiện vượt mức kế hoạch, đạt 102% kế hoạch cả năm. Tỉnh đã thu mua được 45.846 tấn thóc, so với năm 1964 vượt là 1.806 tấn. Trong năm 1965, tỉnh đã bán ra 12.350 tấn lương thực cho khu vực thị xã, khu phi nông nghiệp, các vùng trồng cây công nghiệp… Về phân phối hàng hóa, năm 1961 trị giá 30.800.000 đồng, đạt 104% kế hoạch; năm 1962 trị giá 35.000.000 đồng, đạt 119% kế hoạch.
Về nghĩa vụ lương thực, năm 1960, toàn tỉnh đóng được 14.080 tấn; năm 1961 được 14.756 tấn, đến năm 1962 lên 17.687 tấn. Về thực phẩm, năm 1961 thu mua 1.644 tấn, năm 1962 là 2.458 tấn, trong đó xã Trường Chinh (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ) bán lợn cho Nhà nước nhiều nhất, bình quân mỗi hộ bán 74 kg; toàn huyện Phù Cừ bình quân đầu người bán 34 kg.
Tháng 2.1967, trong Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, tỉnh đã phát động cuộc vận động “Thi đua sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, hạt gạo chia ba” (một phần gửi vào Nam, một phần chi viện quốc tế, một phần để tự nuôi mình). Cuộc vận động phát triển thành cao trào “Toàn dân nuôi quân chữa bệnh” nhằm đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến, của miền Nam ruột thịt.
Ngày 26.1.1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Ngay sau khi hợp nhất, Đảng bộ Hải Hưng tiếp tục lãnh đạo quân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại lần hai và chi viện cho cách mạng miền Nam. Ngày 1.4.1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết động viên chính trị toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 21.3.1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 78-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo củng cố các hợp tác xã yếu kém, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, vừa sản xuất củng cố hậu phương ủng hộ tiền tuyến miền Nam vừa chiến đấu: Tay cày tay súng và tay búa tay súng*. Đặc biệt, nắm chắc Nghị quyết 220 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng là giữ vững và phát triển sản xuất trong thời chiến, Tỉnh ủy Hải Hưng xác định rõ: Sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, bất kể hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm diện tích lúa mùa; phải nêu cao tính tự lực, kiên quyết khắc phục khó khăn, không có điện, không có dầu thì dùng gầu guồng thay thế.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa dốc sức sản xuất giành được nhiều kết quả to lớn, bảo đảm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam.
Về nông nghiệp, ngay từ năm 1968, Hải Hưng gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất nông nghiệp do hạn, úng, bão lụt, sâu bệnh, một số đê chính và đê bối bị vỡ ở nhiều vùng thuộc các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi. Nhiều nhà ở, kho tàng, cơ sở sản xuất, khu vực tập thể bị lũ tàn phá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân địa phương đã nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm diện tích gieo trồng 245.629 ha, đạt 82,9% kế hoạch, trong đó cây lương thực 226.567 ha, đạt 84,4% kế hoạch. Các ngành trồng trọt và chăn nuôi phát triển và đạt kết quả khá.
Về công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, năm 1968, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại, sản xuất công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các xí nghiệp phải phân tán và sơ tán, cộng thêm bão, lụt làm cho nhà cửa bị đổ nát; trang thiết bị thiếu thốn… nhưng với tinh thần quyết tâm phấn đấu, ngành công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp đạt được kết quả khá. Giá trị tổng sản lượng toàn ngành năm 1968 đạt 36.672.000 đồng, bằng 90,9% kế hoạch. Đến năm 1972, giá trị tổng sản lượng của tỉnh đã đạt được 40.044.000 đồng, đạt 84,3% kế hoạch, đáp ứng nhu cầu cho ngành nông nghiệp và giao thông vận tải.
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Pari được ký kết, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau khi chiến tranh chấm dứt, cùng với nhân dân miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng bước sang thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình. Ở miền Nam tuy quân Mỹ đã rút nhưng các cuộc xung đột quân sự vẫn diễn ra. Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trong cả nước đi vào giai đoạn kết thúc, song còn gay go, phức tạp, do sự ngoan cố của kẻ địch.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về khôi phục, phát triển kinh tế trong điều kiện miền Bắc chuyển sang thời kỳ hòa bình và trước tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hải Hưng đã kịp thời đề ra chủ trương nhằm phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng có hiệu quả để nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế theo quy mô lớn trong những năm sau.
Trong hai năm 1973-1974, việc khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh đã đạt kết quả khả quan, hoàn thành tốt việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Về trồng trọt, năm 1974 tổng diện tích gieo trồng được là 264.411 ha, đạt 97% kế hoạch, tăng 7.803 ha so với năm 1973. Năng suất lúa cả năm đạt gần 6 tấn/ha, các huyện, thị xã đã đạt mục tiêu 5 tấn/ha. Hợp tác xã Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) đạt hơn 10 tấn/ha, ngoài ra còn có hơn 100 hợp tác xã đạt từ 7 đến 9 tấn/ha. Tổng sản lượng lương thực cả năm là 702.900 tấn, đạt 110,6% kế hoạch, trong đó sản lượng thóc là 679.212 tấn, đạt 115,1% kế hoạch. Sản lượng lương thực năm 1974 không những đã vượt đỉnh cao năm 1972 trên 10 vạn tấn mà còn vượt cả mục tiêu phấn đấu đề ra cho kế hoạch năm 1975.
Chăn nuôi có bước phát triển, năm 1974, đàn lợn có 529.074 con, đạt 101,9% kế hoạch; đàn gia cầm tăng 2% so với năm 1973; đàn trâu, bò được giữ vững; mật ong đã thu hoạch 50 tấn, đạt 100,5% kế hoạch và tăng 36% so với năm 1973; ngành nuôi cá thu hoạch gần 5.000 tấn trên diện tích là 9.733 ha.
Về sản xuất công nghiệp, giá trị tổng sản lượng toàn ngành năm 1974 đạt 100,9% kế hoạch, 29/42 xí nghiệp quốc doanh và hầu hết các cơ sở tiểu thủ công đều đạt và vượt mức kế hoạch.
Về nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, vụ chiêm xuân năm 1973 thực hiện được 72.575 tấn, vụ mùa 58.883 tấn. Việc huy động lương thực đã cơ bản hoàn thành mức ổn định nghĩa vụ năm. Năm 1974, huy động được 138.430 tấn, đạt 90% so với tổng mức (nghĩa vụ, thu nợ, giá cao).
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong những năm miền Nam kháng chiến, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân dốc sức thi đua sản xuất, hoàn thành mọi nghĩa vụ với tiền tuyến lớn. Hàng vạn thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, lực lượng thanh niên, dân công hỏa tuyến, công nhân kỹ thuật xung phong đi phục vụ chiến đấu; giao hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Với những đóng góp to lớn Hưng Yên đã được Bác Hồ gửi thư khen, tặng cờ cùng nhiều hiện vật khác cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến cùng hàng vạn huân, huy chương các loại cho cá nhân gia đình có công lao, các đơn vị lập thành tích xuất sắc; trong đó có danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh Hải Hưng và lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên.


Máy bay Mỹ bị bắn rơi tại xã Đại Tập (Khoái Châu) ngày 17.11.1967

Những đóng góp to lớn đó đã thể hiện sâu sắc tinh thần, trách nhiệm, tình cảm cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đối với đồng bào miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

 


Trần Thị Thanh Thủy
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
----------------------
(*) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.217

Tin liên quan