Cải cách hành chính
Đăng ngày: 08/03/2023 - Lượt xem: 410
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách và xây dựng nền công vụ liên thông, thông suốt

Để thực hiện cải cách và xây dựng nền công vụ liên thông, thông suốt, PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, cần tiếp tục có những giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật; tăng cường năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công sở và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Bộ Nội vụ Việt Nam với Bộ Chuyển đổi và Công vụ (Cộng hòa Pháp) tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính, ngày 31/3/2022. 

 

Những nội dung cơ bản về nền công vụ

Quan niệm về công vụ

Các nghiên cứu về khoa học hành chính đều thống nhất quan niệm: “Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội”. Công vụ thường gắn liền với công chức hoạt động thực thi công vụ, đến những giá trị cơ bản của công vụ. Các quốc gia tiến bộ đều mong muốn có được một nền công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, dân chủ, khách quan, đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. 

Công vụ có một số dấu hiệu nhận biết như: 1) Là hoạt động thực hiện các quy định pháp luật, được tiến hành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Nhà nước và tuân theo pháp luật; 2) Đội ngũ công chức và những người được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động công vụ. Các hoạt động công vụ do công chức tiến hành, gồm các hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước và các hoạt động của các tổ chức được nhà nước ủy quyền; 3) Sử dụng quyền lực công khi tiến hành công vụ. Hoạt động công vụ mang tính quyền lực nhà nước, bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do nhà nước thành lập, được nhà nước ủy quyền, để phục vụ các nhu cầu của nhân dân; 4) Phục vụ lợi ích chung, không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục đích của công vụ là phục vụ nhân dân và xã hội. Hoạt động công vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thực hiện chức năng tổ chức phục vụ các nhu cầu chung của xã hội không vì mục đích lợi nhuận; 5) Chi phí từ ngân sách nhà nước. Hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp.

Như vậy, công vụ là hoạt động do công chức và những người được nhà nước trao quyền, nhân danh nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích chung của nhân dân và xã hội. Hoạt động công vụ của công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước. Hoạt động công vụ là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan. Như vậy, ở đâu có cán bộ, công chức, ở đó có hoạt động công vụ và hoạt động công vụ được thực hiện ở các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức. Đối với viên chức, hoạt động thực hiện công việc, nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật là hoạt động nghề nghiệp.

Hoạt động công vụ

Nội dung hoạt động công vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thực hiện chức năng tổ chức phục vụ các nhu cầu chung của xã hội không vì mục đích lợi nhuận. Chủ thể thực thi công vụ là công chức và những người được nhà nước trao quyền thực hiện. Để đảm bảo các điều kiện cho công vụ được thực thi, cần xác định rõ các nội dung sau: mục đích hoạt động - phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân; những hoạt động, công việc, nhiệm vụ - thực hiện quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao; những người thực hiện là công chức và những người được nhà nước trao quyền thực hiện nhiệm vụ; cách thức thực hiện theo quy trình và do pháp luật quy định; điều kiện thực hiện về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị để công chức thực thi công vụ.

Phạm vi của hoạt động công vụ: xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; phát triển chiến lược, kế hoạch, triển khai thực hiện đưa pháp luật, chính sách vào cuộc sống. Chú trọng hoạt động lập quy và điều hành hành chính; thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động, chính sách công đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, chính sách công. Thực hiện xét xử, đánh giá thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng.

Yêu cầu của nền công vụ liên thông, thông suốt

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nêu rõ mục tiêu chung là: tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chung nói trên đặt ra yêu cầu đặt ra đảm bảo sự liên thông, thông suốt trong hoạt động công vụ, giữa các bộ phận của nền công vụ, các chương trình, hoạt động của công vụ. Hoạt động công vụ không bao gồm các phần tách rời, khác biệt mà là sự tổng hợp, tích hợp những phần liên quan trong tính tổng thể của nó. Đảm bảo sự liên thông, thông suốt trong hoạt động giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản QPPL đảm bảo cho các hoạt động công vụ đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hướng tới hiệu quả cao; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Mặt khác, đáp ứng yêu cầu về tăng cường năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức nhằm phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn đối với người dân và tổ chức.

Thực trạng hoạt động công vụ

Thứ nhất, thể chế của nền công vụ, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân được hoàn thiện, củng cố và triển khai có hiệu quả. Hoạt động công vụ đã có chuyển biến tích cực theo hướng đảm bảo tính dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển nói chung. 

Thứ hai, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều đổi mới, từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền công vụ. Năng lực thực thi công vụ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì “Diễn đàn Quản trị đất nước tốt” trong khuôn khổ Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ngày 04/8/2022).

 Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy, nhất là bộ máy hành chính nhà nước được triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được những kết quả tốt, từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy hành chính từng bước được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý. Phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao. Các dịch vụ sự nghiệp công được chú trọng, từng bước đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng, thiết thực cho người dân, xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động công vụ thời gian qua còn những hạn chế, bất cập như: hệ thống văn bản QPPL chưa đồng bộ, tính phù hợp thực tiễn chưa cao; sự thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới. Cụ thể, từ năm 2011 đến ngày 31/5/2020, đã kiểm tra 61.447 văn bản QPPL của các bộ, ngành và 819.646 văn bản QPPL của các tỉnh. Thông qua kiểm tra tại các bộ, ngành, đã phát hiện số văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền là 1.669 (chiếm 1,67% tổng số văn bản được kiểm tra); số văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL là 374 (chiếm 0,61%). Tại các tỉnh, số văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền là 7.841 (chiếm 0,96%/ tổng số văn bản được kiểm tra); số văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL là 15.583 (chiếm 1,90%). Số lượng văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tại các bộ, ngành đã được xử lý là 4.054 và tại các tỉnh là 40.169.

Trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách…; một bộ phận cán bộ, công chức có chức, có quyền vi phạm đạo đức công vụ, tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng… Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 414 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực thi công vụ còn những vướng mắc, khó khăn làm cho hoạt động công vụ chưa liên tục, thông suốt, chưa đảm bảo sự liên thông cần thiết. Năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, yếu cả về kiến thức nghề nghiệp chuyên môn, về kỹ năng, đạo đức thực thi công vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được chú trọng đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công vụ khiến cho hoạt động công vụ chưa đảm bảo sự liên thông, thông suốt.

Giải pháp tăng cường xây dựng nền công vụ liên thông, thông suốt

Một là, tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối chung về cải cách công vụ. Đảm bảo hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL đáp ứng yêu cầu đồng bộ, đầy đủ, liên thông, thông suốt. Phát huy tinh thần tham gia của các chủ thể trong hoạt động công vụ, đảm bảo sự chia sẻ trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đảm bảo sự liên thông, thông suốt giữa các ngành, các cấp, các bộ phận của nền công vụ, giữa các khu vực, các địa phương. Hệ thống văn bản QPPL  không chỉ quy định về cách thức hoạt động, quy chế hoạt động, mà còn về hệ thống tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống quản lý nhà nước.

Đồng thời, chú trọng việc kiểm tra, giám sát quyền lực, thực hiện chủ trương “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Tiến hành phân cấp, phân quyền mạch lạc theo hướng rõ người, rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Chính quyền địa phương cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sự vận hành hiệu quả của bộ máy ở địa phương mình, chính quyền Trung ương thực hiện vai trò điều phối, quản lý vĩ mô.

Hai là, nâng cao năng lực phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Hiệu quả hoạt động công vụ phụ thuộc rất lớn vào năng lực của hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và thường xuyên được nâng cấp, bảo hành. Thực hiện cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp, dịch vụ công theo hướng đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý và đẩy mạnh thu hút nguồn lực ngoài nhà nước vào lĩnh vực dịch vụ công theo hướng việc gì khu vực tư nhân làm hiệu quả thì tạo điều kiện, khuyến khích và có cơ chế hợp lý để tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành (trừ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ mật). Cải cách, đổi mới trong khu vực dịch vụ công là thực hiện cải cách nền công vụ theo hướng liên thông, thông suốt, đảm bảo vai trò chỉ đạo, kiểm soát của quản lý nhà nước trong cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Ba là, nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua quy trình tuyển dụng chặt chẽ, khuyến khích người có năng lực, tài năng tham gia vào hoạt động công vụ. Đổi mới cơ chế quản lý, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, cơ cấu lại đội ngũ công chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng hành chính, về ngoại ngữ, tin học và nâng cao đạo đức trong thực thi công vụ. Trong thi tuyển, xét tuyển cần công khai, có cạnh tranh; có cơ chế thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đặc biệt đối với những người thực tài. 

Bốn là, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ, trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện công khai, minh bạch, kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và đảm bảo người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. 

Tại Phiên họp lần thứ Nhất của Chính phủ khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”./.

                                                                                                                                                                                                                                                                Nguồn: tcnn.vn

Tin liên quan