Cải cách hành chính
Đăng ngày: 20/04/2023 - Lượt xem: 289
Vai trò của cán bộ, công chức trong Cải cách hành chính

Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước như thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức… nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.

Thời gian qua, công tác cải cách hành được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương và sự đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác cải cách  hành chính đã đạt được những kết quả tích cực trên các nội dung theo chương trình tổng thể đó là: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phục vụ người dân, xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước; qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Một cửa đã được triển khai  với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của các giai đoạn trước. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm….

 Để đạt được kết quả như trên phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Để khẳng định vai trò của mình, đội ngũ cán bộ, công chức luôn chủ động, tích cực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, thường xuyên đi cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc giúp công tác giải quyết hồ sơ cho người dân được tốt hơn. Bên cạnh những cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, vẫn còn một số cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm, tư lợi gây khó khăn cho người dân. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước rất quan trọng. Để nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ, công chức trong cải cách hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành các biện pháp như sau:

Người được bố trí thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính phải đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công cần thiết. Bên cạnh, cơ quan cần đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động cải cách hành chính: máy tính, máy scan, phần mềm... nhằm rút ngắn quá trình chuyển hồ sơ, trao đổi các thông tin cần thiết giữa các bộ phận có liên quan cũng như giữa người dân với cơ quan nhà nước.

Đội ngũ cán bộ, công chức cần nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức cũng phải đặt lợi ích của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước lên hàng đầu. Trong giao tiếp, ứng xử với Nhân dân phải luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không thờ ơ, lơ là trước những yêu cầu, bức xúc của Nhân dân; tích cự đấu tranh với những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà đối với dân; đảm bảo giải quyết đúng quy trình, lịch hẹn theo quy định; luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân về thái độ phục vụ để điều chỉnh kịp thời. Thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động học hỏi, giáo dục tính liêm chính, đạo đức công vụ, rèn luyện kỹ năng. Khi nắm chắc chuyên môn sẽ không ngừng sáng tạo trong xử lý công việc, giải quyết các tình huống đa dạng, phức tạp trong mối quan hệ với Nhân dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ nhằm đáp ứng nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của Nhân dân.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức, tuyên truyền tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuyên truyền kết hợp với giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, lồng ghép tuyên truyền qua các đợt tập huấn chuyên ngành cho cán bộ, công chức hàng năm. Quá trình cải cách hành chính luôn thể hiện thông tin hai chiều giữa Nhà nước và Nhân dân, giữa cán bộ, công chức và người dân. Tuyên truyền về cải cách hành chính giúp người dân hiểu, nắm rõ quy trình, thủ tục, biết quyền, yêu cầu của mình được thực hiện như thế nào. Tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Có thể thấy, cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước. Cải cách hành chính nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho dân. Cải cách hành chính thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ, công chức, việc cải cách hành chính trong thời gian tới sẽ có những bước tiến đáng kể, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của Nhân dân./.

                                                                                                                                                                                                                                                                        Dương Ánh Nguyệt./.

Tin liên quan